I. Bệnh Parvo ở chó là gì? Lịch sử căn bệnh Parvovirus?
1. Khái niệm bệnh Parvo ở chó
Bệnh Parvo ở chó là bệnh do Parvovirus gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và tỷ lệ tử vong trên 80% trong thời gian ngắn. Vi rút thường bùng phát trong dạ dày chó (thường xảy ra ở chó nhỏ dưới 3 tuổi và chó chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Bệnh không có thuốc đặc trị mà chỉ có thuốc hỗ trợ thế nên đây được xem là căn bệnh nguy hiểm. Bệnh bùng phát khi trời chuyển mùa, nắng mưa thất thường, nóng lạnh đột ngột.
2. Lịch sử căn bệnh Parvovirus
Canine Parvovirus (CPV) lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970, kể từ khi xuất hiện, CPV đã gây ra đại dịch bệnh có dấu hiệu viêm dạ dày ruột nặng, sự lây nhiễm đặc biệt là ở chó con.
CPV phát triển nhanh chóng nhiều biến dị di truyền và kháng nguyên đã được báo cáo lưu hành trên toàn thế giới (Miranda et al., 2016). Con đường lây nhiễm chính là qua đường miệng, thông qua tiếp xúc với phân của những con chó bị nhiễm bệnh hoặc các chất fomit bị ô nhiễm, được tạo điều kiện bởi sự đề kháng đặc biệt của virus trong môi trường. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm thiếu máu, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có máu (Decaro and Buonavoglia, 2012).
Bệnh viêm ruột do Parvovirus xảy ra nhiều và nghiêm trọng nhất ở độ tuổi từ 2 đến dưới 3 tháng tuổi (82,61%), sau đó giảm dần qua các tháng tuổi tiếp theo và không phụ thuộc vào nhóm giống chó và giới tính. Chó bị nhiễm Parvovirus do không được tiêm phòng có tỷ lệ 75,56%, trong khi chó được tiêm phòng thì tỷ lệ là 2,9%.
II. Phác đồ điều trị Parvovirus và đánh giá hiệu quả
Những chó dương tính khi thử test CPV Ag được lập bệnh án theo dõi như ghi nhận thân nhiệt, tình trạng mất nước, tình trạng tiêu chảy, tình trạng mất máu, trạng thái phân… và mức độ tiến triển của bệnh. Sau đó tiến hành cấp thuốc theo phác đồ điều trị, liệu trình điều trị 4-7 ngày. Để đánh giá quá trình phục hồi thể trạng, trạng thái sinh lý của chó trở lại bình thường, chúng tôi dựa vào một số chỉ tiêu: giảm ói, giảm tiêu chảy, tính chất phân thay đổi, ăn uống tỉnh táo, vui vẻ…hiệu quả điều trị thông qua những chó còn sống sót và mức độ phục hồi bệnh của chúng.
1. Phác đồ điều trị
Phác đồ điều trị
Phác đồ 1: Sử dụng Gentamycine, dịch truyền, Metoclopramid HCl, vitamin C, vitamin K.
Tổng dịch truyền (lít) = % mất nước + trọng lượng cơ thể (dịch truyền bao gồm: Dung dịch Lactate Ringer’s và dung dịch glucose 5%) Gentamycine: Tiêm dưới da, 3mg/kg thể trọng, ngày 2 lần
Metoclopramid HCl: Tiêm dưới da, 1-2mg/kg thể trọng/ngày
Vitamin C: Tiêm dưới da, 100mg/kg thể trọng/ngày
Vitamin K: Tiêm bắp,5-6mg/kg thể trọng/6-8 giờ (trong trường hợp chó tiêu chảy mất máu
Phác đồ 2: Sử dụng Septotryl 10% (Sulfamethoxypyridazine + Trimethoprim), dịch truyền, Metoclopramid HCl, vitamin C, vitamin K.
Tổng dịch truyền (lít) = % mất nước + trọng lượng cơ thể (dịch truyền bao gồm: Dung dịch Lactate Ringer’s và dung dịch glucose 5%).
Septotryl 10%: Tiêm dưới da, 3ml/10kg thể trọng/ngày
Metoclopramid HCl: Tiêm dưới da, 1-2mg/kg thể trọng/ngày
Vitamin C: Tiêm dưới da, 100mg/kg thể trọng/ngày
Vitamin K: Tiêm bắp,5-6mg/kg thể trọng/6-8 giờ (trong trường hợp chó tiêu chảy mất máu
2. Hiệu quả điều trị bệnh do Parvovirus trên chó
Tỉ lệ điều trị khỏi bệnh viêm ruột do Parvovirus gây ra khá cao (phác đồ 1 là 88,57% và phác đồ 2 là 80,00%). Nếu chó được đem đến phòng mạch điều trị ở giai đoạn bệnh sớm, bệnh mới phát vật nuôi chưa mất nhiều nước, nhiều máu, nên hiệu quả điều trị cao. Khi Parvovirus xâm nhập vào cơ thể chó sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy lẫn máu làm cơ thể nó mất nước và chất điện giải nghiêm trọng. Vì vậy, liệu pháp hỗ trợ truyền dịch với Lactate Ringer’s và glucose 5% nhằm bù lượng nước và chất điện giải đã mất, giúp cơ thể chống chọi với mầm bệnh vượt qua giai đoạn suy kiệt.
Tỉ lệ khỏi bệnh ở phác đồ 1 cao hơn so với phác đồ 2 với tỉ lệ lần lượt là 88,57% và 80,00%. Trimethoprim kết hợp với sulfamethoxypyridazine có hiệu quả tốt trong các bệnh viêm nhiễm trùng đường tiêu hóa, tác động tốt trên các vi khuẩn đường ruột (Enterobacter), tác động kéo dài. Tuy nhiên, chúng lại bị chống chỉ định ở những thú bệnh rối loạn về máu bởi chúng có thể gây tác dụng phụ khi sử dụng là thiếu máu do tan huyết. Trong khi đó, gentamycine là nhóm kháng sinh diệt khuẩn tác động tốt trên cả nhóm vi khuẩn gram dương và gram âm đặc biệt là vi khuẩn họ đường ruột. Hơn nữa, thuốc hấp thu tốt bởi thú bệnh viêm ruột xuất huyết hoặc hoại tử và sinh khả dụng của gentamycine là 90%. Thêm vào đó, thời gian bán thải của thuốc trong cơ thể chó ghi nhận là từ 0,51,5 giờ (Allen et al., 1998). Nhận định này cũng phù hợp với Lobetti (2003) khi đề nghị sử dụng gentamycine trong điều trị bệnh viêm ruột do Parvovirus trên chó. Bảng 5 cho thấy, đa số các ca điều trị thời gian kéo dài 6-7 ngày với tỉ lệ 59,32%, còn lại là nhóm chó điều trị trong 4-5 ngày với tỉ lệ 40,68%. Kết quả này khác nhau không có ý nghĩa thống kê (P=0,836). Trong nhóm chó điều trị 4-5 ngày thì tỉ lệ khỏi bệnh phác đồ 1 cao hơn phác đồ 2 (41,94% và 39,29%). Tuy nhiên ở nhóm chó điều trị 6-7 ngày thì tỉ lệ khỏi bệnh ở phác đồ 2 cao hơn so với phác đồ 1 (60,71% và 58,06%) với (P=0,836).
Điều này được giải thích là do đây là bệnh gây ra bởi virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là nâng cao sức đề kháng, truyền dịch nhằm mục đích bù nước, chất điện giải, cung cấp dưỡng chất và cân bằng dịch thể, chống nhiễm khuẩn thứ phát, giúp hệ miễn dịch của cơ thể có đủ điều kiện và thời gian để tạo các kháng thể nhằm trung hòa độc tố của virus, sau đó cơ thể tự bài thải virus ra ngoài và con vật tự hồi phục. Đối với các ca bệnh được phát hiện sớm, điều trị tích cực, liên tục >4 ngày thì hiệu quả điều trị khỏi rất cao. Tuy nhiên trong thực tế đa số các ca bệnh đều được phát hiện muộn, con vật tiêu chảy máu, mất nước và suy kiệt nặng, chủ nuôi không tuân thủ theo liệu trình điều trị liên tục nên cơ hội cứu sống con vật là rất thấp (McCandlish, 1998).